Overblog
Editer l'article Suivre ce blog Administration + Créer mon blog
cha-quynh.overblog.com

Đạo và Đời

Đạo và Đời

bài viết của Đức Ông Laurenxo Phạm Hân Quynh

Cách đây 25 năm, ở Châu âu có những cuộc đảo lộn lớn. Các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ ầm ầm, không những ở Tiệp khác, Bungari, Rumani, Hungari mà quan trọng hơn là ở Balan và đến Liên xô, chính quyền cộng sản không còn nữa, thay vào đấy là những người ngoài đảng hay là đã bị trục xuất ra khỏi đảng.

Đất nước quê hương cộng sản qua nhiều biến đổi dần dần đã thôi không còn là nước xã hội chủ nghĩa nữa. Bức tường Berlin cũng đã bị phá đổ và hai phần nước Đức đã được hợp nhất lại.

Nhiều người cho rằng những cuộc sụp đổ này là do công giáo tiến hành, đặc biệt là ở Balan với công đoàn đoàn kết và ông Valesa. Người ta đã không quên đưa vào đấy Giáo tông Gioan Phao lô II là người Balan, có ảnh hưởng rất lớn trong tâm hồn con người Balan. Từ đấy người ta cho rằng giữa công giáo nói chung và cộng sản, có sự thù địch không đội trời chung và công giáo nói chung đã làm ra cuộc sụp đổ ấy. Nói thế là quá sơ lược và quá không đúng. Chính những người cộng sản đã phải công nhận rằng sụp đổ trước hết là do nội bộ: đã có quá nhiều lầm lỗi về đường nối chính sách, nhiều tội tình về cách ăn nết ở, nhất là trong bộ phận lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa (tệ nhất là Rumani). Công giáo cũng có nhiều ảnh hưởng trong sự sụp đổ này.

Thực sự, sự đối đầu cộng sản công giáo đã có từ lâu, một tác giả như Dostoievski đủ nói lên sự thù địch giữa công giáo với cộng sản, không kể nhiều thông điệp của nhiều Giáo tông trong vấn đề này. Trong nhiều nước không cộng sản đã chuẩn bị một mặt trận tinh thần và giáo thuyết chống cộng. Ở Việt nam vấn đề là tương tự và những người cộng sản Việt nam, kể cả những người đứng đầu đều rõ vấn đề ấy. Khi lãnh đạo có những cuộc luồn lách, đóng những vai như hài kịch lẫn bi kịch để che lấp vấn đề mâu thuẫn. Tuy nhiên tình trạng đối nghịch âm ỷ bên trong, nhất là khi công giáo thấy thực tế cái bề ngoài tử tế vẫn che lấp những hành động phá phách khôn khéo bên trong. Công giáo nói rằng có Chúa Thánh Thần ở trong lòng Giáo Hội và từng giáo dân trung thành, để cho biết những âm mưu ngầm chống phá Giáo hội. Và vì thế giáo dân luôn cảnh giác làm cho bao nhiêu âm mưu hại đạo bị phá vỡ: lập hội này phong trào kia dưới mã đẹp đạo rất khéo léo, nhưng dần dần đều được vạch mặt và không thành công.

Về phía cộng sản, họ đã gặp quá nhiều chống đối có khi như ở việt nam gặp nhiều bách hại kỳ này (ta nhớ đến Côn đảo) và rất nhiều nơi trên thế giới, nên họ vốn phải đề phòng công giáo và khi có quyền họ trấn áp lại khủng khiếp. Không thể kể lại cho xiết những đau khổ họ đã chịu từ phía công giáo và quốc tế, không thể kể xiết những đau khổ họ đã giáng trên đầu người công giáo. Mối thù ghét có đi có lại đan xen nhau, nhiều khi không nói ra, nhưng vẫn tồn tại như ung nhọt bao bọc cả hai phía.

Trong chuyến viếng thăm Tòa Thánh của toàn thể hội đồng Giám mục Việt nam (năm 2009), Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 đã dạy một điều rất lạ rất mới: từ nay phải tìm cách công giáo sống trong lòng dân tộc giữa một chế độ xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo. Không được đặt vấn đề không đội trời chung, thay đổi chính quyền mà phải sống lành mạnh trong chế độ hiện có, cùng mọi người dân góp phần xây dựng đất nước, điều quan trọng là thành tâm sống yên vui với nhau. Có thể là Đức Thánh Cha với tầm nhìn đã thấy rõ rằng hiện tại cộng sản không thể và không muốn tiếp tục chính sách đối đầu với đạo. Đối đầu đã từ lâu rồi, miền bắc yếu đuối dốt nát thế mà không tiêu diệt được không thuần hóa được, huống chi bây giờ Giáo Hội cả nước đông đúc hơn, vững chắc hơn, giỏi giang hơn, mạnh mẽ hơn thì chắc cộng sản phải đổi chiến lược. Tòa Thánh thấy rõ những biến chuyển từ cấp cao nhà nước. Cộng sản thấy rõ công giáo Việt Nam cũng rời bỏ những sai lệch đối với cộng sản, quá xa rời tinh thần Phúc âm: cộng sản thay đổi, công giáo cũng thay đổi tìm cánh sống hòa hợp hơn, thi đua cạnh tranh trong thân thiết và sự thật hơn.

Đây là vấn đề lý tưởng, hiện thực thì phức tạp hơn nhiều. Chính trong nội bộ trung ương đảng, phương chi ở các cấp tỉnh, huyện, xã và cá nhân đảng viên, hay bạn bè cũng có người quá ăn sâu vào tinh thần cũ chưa thể đổi mới được. Hiện nay chúng ta còn gặp biết bao quan lớn bé vẫn có thái độ thù địch hay thiên lệch với công giáo. Ngược lại tinh thần Phúc âm của Đức Thánh Cha, người nói ra cũng có nhiều Giám mục linh mục trùm trưởng chưa có khả năng tiếp thu, và cũng chưa muốn tiếp thu, đặc biệt những nơi những người đã chịu quá nhiều khổ đau vì cộng sản trước đây. Vì vậy cần có thời giờ và nỗ lực, để tinh thần hòa giải ấy dần dần đi vào lối sống của người cộng sản và người công giáo. Có cái chắc chắn là người cộng sản rất ngại diễn biến hòa bình, nghĩa là dần dần người cộng sản mất quyền lãnh đạo của mình đối với đất nước. Nhưng ta phải để cho họ an tâm, vì chúng ta không muốn thứ diễn biến hòa bình ấy. Ta không tìm thay đổi chính quyền chỉ cần chính quyền có tinh thần hòa giải hơn mãi.

Đây là vấn đề rất khó lần đầu tiên trong lịch sử có chủ chương lạ lùng thế này. Nhưng chúng ta quyết tâm theo lời Đức Thánh Cha dạy, mở ra con đường hướng mới cho công giáo chúng ta, và chúng ta cũng chứng minh và thuyết phục cộng sản cùng theo đường lối ấy với chúng ta. Có phải là mơ hồ ảo vọng phi thực tế hay không? Nếu chúng ta tin vào Đức Thánh Cha, tin vào ân sủng của Chúa Thánh Thần, và quyết tâm khoảng chục triệu giáo dân Việt nam trong nước và ngoài nước, thì cái mơ hồ sẽ thành sự thật.

Từ mơ hồ mà thành sự thật ắt cần nhiều thời gian. Ta không thể nóng ruột được mà phải tìm cách bước từng bước, bước tiến bước lùi, thành công chỗ này thất bại chỗ khác, nhưng chúng ta tin rằng với ơn Chúa giúp, dần dần chúng ta vẫn tiến tới. Đây là một sáng tạo mới của đức tin công giáo, của ơn cứu độ của Chúa Giêsu: là vì nếu công giáo mà cùng làm việc được với cộng sản, thì đúng là một sáng tạo mới, cộng sản sẽ là luồng gió mới linh hoạt, cụ thể, có tổ chức hơn công giáo chúng ta nhiều, và cả công giáo và cộng sản sẽ thay đổi được bộ mặt của thế giới.

Ở một quá khứ gần đây, như nói trên đã có sự chống đối giữa cộng sản và công giáo, và đã có những cuộc sụp đổ. Ngày nay phải bỏ cái tinh thần đối nghịch ấy và thay vào một tinh thần mới: bắt tay nhau.

Cách đây gần 2000 năm, đạo Công giáo với hoàng đế Công tăng tanh đã có cuộc nhập thể thứ nhất, và đã thành công lớn. Đạo công giáo rời bỏ thế giới Do thái để trở thành Hyla. Mấy trăm năm sau với Clovis, Giáo Hội công giáo liên kết với văn hóa Pháp rồi Giécmanh. Phải đợi mấy trăm năm sau Giáo Hội nhập vào văn hóa Saxon. Dần dần công giáo thấm nhập với hai thánh Cyrilo và Mêthodio, vào thế giới Slavo, nghĩa là khu từ Balan sang Nga và Thổ nhĩ kì. Đây là những giai đoạn quan trọng của Giáo hội. đến nay một giai đoạn mới đang thử cho nên rất quan trọng: đó là Giáo Hội bắt tay với cộng sản: nhiều học giả đã nói rằng, công giáo và cộng sản là những anh em thù địch. Anh em vì có rất rất nhiều điều giống nhau mà là thù địch vì cũng có một số điều ngược nhau. Phải nói rằng giống nhau là chính ngược nhau là phụ. Mà những điều nghịch nhau thường là do hiểu nhầm, hiểu nông cạn, hiểu lệch. Cần có thì giờ để vứt bỏ sự nóng nẩy sôi động của những cuộc bút chiến, và những lời lẽ chiến đấu hời hợt, thì sẽ thấy rằng bên trên những cái ấy, chân lý có thể kết hợp những điều ngược nhau mà bổ xung cho nhau. Những điều khi xét ở nhiều khía cạnh khác nhau thì xem ra ngược nhau, nhưng khi đặt vào một tổng thể thì lại là những phần cốt yếu của một chân lý rộng hơn. Ta hãy cầu xin để có những óc thiên tài, bao gồm những chân lý rải rác tưởng là đối nghịch nhau, để thành một đại chân lý vô cùng rộng lớn. Lệnh của Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 có thể mở đầu cho một tương lai vĩ đại như vậy, chúng ta cần ý thức là đang khởi đầu một giai đoạn mới của Giáo Hội, mà là ở Việt nam, đời chúng ta, giai đoạn này có thể quan trọng hơn thời Clovis thời thánh Cyrilo và Methodio. Đây là thời cơ hiếm có, phải làm, và phải thành công. Xin Chúa Thánh Thần liên tục ở cùng chúng ta.

Tái bút: ở Việt Nam có vấn đề tương tự. Đạo và đời có thể bắt tay nhau hay còn mang tính chất chống đối nhau. Tổng Giám Mục Hà nội phải từ chức, ra khỏi Hà nội, hay còn có thể bắt tay nhau khởi đầu một giai đoạn mới. Lịch sử đã từng thấy những trường hợp gay gắt gấp nhiều lần, và cuối cùng đã giải quyết được êm thắm. Dân tộc Việt Nam rất thông minh phải chứng tỏ điều này. Xin cho tinh thần hòa hợp phải thắng và tổng Giám Mục Hà nội có tinh thần phúc âm sẽ đủ tài tìm ra giải pháp ấy. Chúng ta giáo sĩ và giáo dân Việt Nam vẫn chỉ có một tinh thần yêu thương và hùn vào tinh thần yêu thương xây dựng ấy.

Partager cet article
Repost0
Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article